Tỏi đen 3 triệu/kg hút khách đại gia
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã ồ ạt sản xuất tỏi đen cô đơn và bán ra thị trường với nhiều mức giá khác nhau, cao nhất là 3 triệu đồng/kg.
Tháng 9 hàng năm là tháng cuối mùa của tỏi đen một tép (còn gọi là tỏi "cô đơn", tỏi "mồ côi"). Loại tỏi đen một tép có vị ngọt, không còn mùi cay hăng của tỏi thường, được trồng nhiều tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Vào tháng 6,7,8 năm nay, giá bán cao nhất của tỏi đen một tép vào khoảng 700.000 đồng/ kg. Nhưng vào tháng 9, lượng hàng khan hiếm nên giá nông sản này tăng đột biến, lên đến 1,2 triệu đồng/ kg.
Tuy tỏi đen "cô đơn" có giá đắt đỏ nhưng nhiều người vẫn tìm mua cho bằng được. Họ coi đây là một dược liệu quý bảo vệ sức khỏe, nhất là với những người dân sống trong điều kiện giữa biển cả cách xa đất liền.
Tỏi đen "cô đơn" có giá bán thấp nhất là 1,2 triệu đồng/ kg. Ảnh: Internet |
Sở dĩ nông sản này khan hiếm như vậy là vì tính chất phát triển riêng của nó. Tỏi đen một tép không phải là một giống chuyên biệt. Nó được hình thành tự nhiên trong quá trình sinh trưởng của những cây tỏi thông thường, song mỗi củ sinh ra chỉ có duy nhất một tép. Đặc biệt, nó phát triển mạnh tại những nơi đất cằn cỗi, mất mùa.
Trung bình, trên 500m2 thu hoạch được khoảng 600kg tỏi thường thì chỉ có 2kg, hoặc nhiều nhất là 5kg tỏi đen một tép.
Để dự trữ được lâu, người dân phải cắt tỉa cành lá, phơi tỏi trên nóc nhà. Sau khi tỏi giòn khô thì cất chúng vào thùng kín có lót lá sơn (loại lá cây chống ẩm và mối mọt tốt).
Theo các thương lái, hiện tại, các hộ dân trên huyện đảo Lý Sơn chỉ còn dự trữ khoảng hơn 200kg tỏi đen "cô đơn". Dự kiến hết tháng này, số tỏi dự trữ sẽ bán hết cho du khách. Rất có thể, giá cả tỏi đen "cô đơn" sẽ tiếp tục tăng lên hơn 1,5 triệu đồng/kg.
Nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng tỏi đen "cô đơn" quá lớn của người dân, một doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng tỏi đen đầu tiên ở Việt Nam đã mua và áp dụng công nghệ sản xuất tỏi đen. Đó là doanh nghiệp của anh Cao Quốc Vinh.
Vào năm 2009, anh đầu tư 80.000 USD để mua công nghệ chuyên sản xuất tỏi đen.
Công nghệ sản xuất tỏi đen cô đơn. Ảnh: Internet |
Chia sẻ trên Vnexpress, anh Vinh cho biết, sản xuất tỏi đen "cô đơn" rất phức tạp. Tỏi "cô đơn" cần lượng thời gian lên men lâu hơn, nhiệt độ vừa phải để cho kết cấu sản phẩm chắc, lượng nước ít.
Trong khi tỏi nhiều tép lên men trong 45 ngày, thì tỏi cô đơn lên men ít nhất là 60 ngày. Đặc biệt, khi sản xuất tỏi xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản và Mỹ, anh phải đẩy ngày lên mên tỏi lên 90 ngày, để phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Sản phẩm của anh được ưa thích trên nhiều thị trường nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Giá bán tại thị trường nước ngoài là 3 triệu/ kg tỏi đen cô đơn.
Còn trên thị trường trong nước, doanh nghiệp anh có 2 hệ thống phân phối tại Hà Nội. Giá bán tỏi đen cô đơn tại các siêu thị lên tới 1,7 triệu đồng/ kg.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất tỏi đen cô đơn mà ngay cả các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng cũng chen chân nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm này ra thị trường.
Điển hình như cơ sở Linh Chi Nông Lâm, một cơ sở của Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM), đã sản xuất thành công tỏi đen cô đơn. Giá bán ra thị trường tỏi đen cô đơn thương hiệu Nông Lâm là 2,3 triệu đồng/ kg.
Bên cạnh đó, có nhiều hộ gia đình tự sản xuất tỏi đen bằng nồi cơm điện. Thay vì ủ thời gian lên men là 60 ngày, các hộ gia đình rút ngắn xuống chỉ còn 25-30 ngày ủ tỏi.
Trước tình hình sản xuất tỏi đen ồ ạt như hiện nay, nhiều sản phẩm làm ra không đúng quy trình, nhiệt độ và độ ẩm, tuy tỏi vẫn chuyển sang màu đen nhưng không đảm bảo đủ hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Do vậy, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua sản phẩm này; nên xem xét và lựa chọn cơ sở uy tín để mua được hàng đảm bảo chất lượng.